Tưới Tiêu Cho Cây Sầu Riêng Như Thế Nào?

Tưới Tiêu Cho Cây Sầu Riêng Như Thế Nào? là câu hỏi mà nhiều bà con quan tâm. Viêc tưới nước và tiêu nước đúng và đủ rất quan trọng cho sự phát triển của Cây Sầu Riêng. Vựa Cây Trồng xin chia sẻ tới bà con những kỹ thuật và kinh nghiệm tưới tiêu cho giống cây này.

Kỹ Thuật Tưới Tiêu Cho Cây Sầu Riêng

Nhu cầu về nước tưới của Cây Sầu Riêng

Mỗi giai đoạn phát triển và sinh trưởng, cây Sầu Riêng có những nhu cầu khác nhau về nước tưới. Bà con cần xác định vườn trồng Sầu Riêng của mình thuộc giai đoạn nào mà áp dụng cho chính xác. Có như vậy, cây Sầu Riêng mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

tuoi-tieu-cho-cay-sau-rieng
Cây Sầu Riêng 1 năm tuổi
  • Trong giai đoạn mới xuống giống: lúc này cây còn nhỏ, nhu cầu về độ ẩm của cây Sầu Riêng con tối đa là 65 đến 80%. Nếu thừa nước, bộ rễ non của cây sẽ không phát triển và có thể bị thối rễ gây chết cây. Nếu thiếu nước, cây có thể héo và  chết. Do vậy, bà con cần lưu ý tưới đủ ẩm cho cây trong giai đoạn này. Nước được tưới đủ và kịp thời sẽ giúp cây bén rễ nhanh, phát triển tốt.
  • Giai đoạn cây ra hoa và kết trái: nhu cầu về nước của cây lúc này cao hơn. Trước khi ra hoa, cây cần độ ẩm thấp. Khi đã đậu trái cây cần độ ẩm cao hơn, khoảng 70 đến 90%. Khi trái chín, nhu cầu nước của cây lúc này giảm mạnh, cần 50-60% là đủ.

Quy trình tưới nước cho Cây Sầu Riêng

Quy trình tưới bà con cần tìm hiểu kỹ và thực hiện đúng phương pháp. Tùy theo điều kiện kinh tế mà lựa chọn phương pháp tưới cho phù hợp. Các bước như sau:

Bước 1: Xác định thời điểm 

  • Giai đoạn cây mới trồng: thời điểm này cây cần đủ nước để sinh trưởng và phát triển.
  • Giai đoạn cây ra hoa và kết trái: lúc cây Sầu Riêng ra hoa cần tưới nước 2 ngày 1 lần để có được chất lượng phấn hoa tốt nhất. Lưu ý cần giảm 2/3 nước tưới ở mỗi lần vào lúc trước khi ra hoa khoảng 7-8 ngày.
  • Lúc cây đậu trái thì tăng lượng nước tưới trở lại lượng thông thường để giúp trái phát triển khỏe mạnh.

Bước 2: Xác đinh đổ ẩm theo nhu cầu

  • Bà con có thể xác định độ ẩm của đất bằng tay hoặc kinh nghiệm. Tuy nhiên, kiểm tra độ ẩm của đất bằng máy đo độ ẩm là tốt nhất.
  • Bà con kiểm tra bằng mắt tầng đất mặt và quan sát độ trương nước của cành và lá. Thời gian tốt nhất là khoảng buổi trưa, khi thoát hơi nước nhiều nhất trong ngày. Nếu độ ẩm không đủ thì lá cây, đặc biệt là lá non sẽ giảm độ trương nước và héo.
  • Khi độ ẩm không đạt yêu cầu thì bà con phải tiến hành tưới nước hoặc tiêu nước ngay cho cây. Khô thì tưới cho đủ ẩm. Độ ẩm quá cao thì tiến hành tiêu nước phù hợp với từng gian đoạn ở bước 1.

Bước 3: Phương pháp

Phương pháp tưới nước cho cây Sầu Riêng là yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của cây. Tùy theo điều kiện mà bà con lựa chọn phương pháp sao cho phù hợp, hiệu quả.

cay-sau-rieng
Hệ thống tưới tự động bằng péc
  • Phương pháp thủ công: sử dụng các dụng cụ chứa nước đơn giản để tưới bằng tay cho cây Sầu Riêng. Để thực hiện cách này hiệu quả và đỡ tốn công thì vườn Sầu Riêng cần có hệ thống mương dẫn nước. Hệ thống mương nước cần được thiết kế ngay từ khi bắt đầu xuống giống. Như vậy mới đảm bảo cho việc tưới cây.
  • Phương pháp bán thủ công: sử dụng máy bơm nước để bơm nước tới đầu ống dẫn nước. Cách này cần phải có hệ thống ống dẫn nước, máy bơm và dây vòi mềm. Cần tưới khu vực nào thì gắn dây mềm vào đầu ống dẫn nước của khu vực đó. Kéo dây mềm tới vị trí cần tưới để thực hiện tưới.
  • Tưới nhỏ giọt: cách tưới này kỹ thuật để nước ngấm dần vào trong đất. Nước sẽ thấm thẳng vào hệ thống rễ của cây, hạn chế lãng phí nước. Tuy nhiên, chi phí xây dựng hệ thống này khá cao. Bà con cần cân nhắc tài chính trước khi lắp đặt.
  • Phương pháp tưới rãnh: là cách tưới thông qua hệ thống rãnh đào giữa các hàng cây trong vườn. Phương pháp này giữ độ ẩm cho vườn tốt, không bị rửa trôi dinh dưỡng. Phương pháp này mất chi phí lớn khi cải tạo. Vận chuyển thiết bị, công cụ qua rãnh khó khăn. Có thể gây lãng phí nước.

Bước 4: Xác định nguồn nước, chuẩn bị vật tư thiết bị

  • Nguồn nước tưới cho cây Sầu Riêng: bà con cần xác định nguồn nước tưới lấy từ đâu? Từ sông, hồ, kênh mương thủy lợi hay từ giếng. Việc xác định nguồn nước để thiết lập phương pháp tưới sao cho phù hợp. Cần làm rõ xem nước có nhiễm mặn, nhiễm phèn không? Tuyệt đối không sử dụng nước thải từ nhà máy hoặc khu sản xuất công nghiệp.
  • Chuẩn bị vật tư sử dụng cho máy móc. Ví dụ như xăng dầu cho máy bơm chạy xăng dầu
  • Chuẩn bị thiết bị cho việc tưới nước như máy bơm, đường ống dẫn nước hoặc giàn phun…

Bước 5: Tưới nước cho Sầu Riêng

Việc tưới nước cho cây Sầu Riêng bà con cần xác đinh tưới đúng thời điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây.

  • Sau khi xuống giống: bà con nên sử dụng thùng vòi sen tưới nhẹ nhàng quanh gốc cây. Tưới đủ ẩm cho cây để đảm bảo cây nhanh chóng làm quen môi trường đất. Không sủ dụng vòi tưới dí hoặc vòi nước áp lực mạnh gây tróc gốc, váng đất, cây sẽ khó bám rễ.

Cây Sầu Riêng giai đoạn này chỉ cần tưới ngày 1 lần, kéo dài khoảng 4 tháng. Sau thời điểm này, bà con chỉ tưới khi nắng hạn. Việc giữ ẩm cho đất nên thực hiện bằng cách tủ gốc để tiết kiệm nước, giảm công. Vào mùa mưa thì dỡ bỏ tủ gốc để hạn chế độ ẩm cao gây bệnh, tránh mối…

  • Tưới nước giai đoạn kiến thiết: bà con cần xác định mức độ khô hạn của vườn. Khi cây Sầu Riêng có biểu hiện thiếu nước cần tưới ngay. Lượng nước tưới tùy thuộc mức độ khô hạn. Thường mỗi cây cần 20 lit – 30 lit nước tưới trong một lần tưới. Mỗi lần tưới nên cách nhau từ 15 đến 20 ngày. Nếu tăng số lần tưới thì cần giảm lượng nước tưới cho mỗi cây.
  • Tưới nước giai đoạn kinh doanh: mỗi cây sẽ có nhu cầu khoảng 60 lit đến 80 lit nước trong mỗi lần tưới. Bà con áp dụng khoảng cách giữa các lần tưới tùy theo điều kiện cụ thể. Lúc cây ra hoa và tạo quả sẽ cần lượng nước lớn hơn. Vì vậy cần đảm bảo đủ nước cho cây tại thời điểm này. Thời điểm trái sắp chín thì cần rút bớt nước để trái không bị nhão do thừa nước.

Tiêu Nước Cho Cây Sầu Riêng

Việc tiêu nước cho cây Sầu Riêng quan trọng không kém việc tưới nước. Bà con cần tiêu nước kịp thời cho vườn cây nếu có hiện tượng dư nước. Nhất là sau các trận mưa lớn, kéo dài hoặc ngập lụt …

Tác hại của ngập úng đối với cây Sầu Riêng

Cây Sầu Riêng khi được trồng trên vùng đất thấp sẽ hay gặp phải ngập úng. Đặc biệt là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Lũ lụt khu vực này thường xảy ra vào 3 tháng, 9, 10, 11 hàng năm. Gần như các vườn Sầu Riêng nơi đây đều chịu ít nhiều thiệt hại do ngập úng.

Mưa nhiều xuất hiện tình trạng đóng váng bề mặt. Nước mưa xói mòn và hòa tan các hạt sét nhỏ phủ kín các kẽ hở trên bề mặt đất. Phù sa do ngập lụt bồi kín bề mặt đất làm đất không thoáng khí nữa.

Đất ngập nước sẽ không tạo điều kiện hô hấp của rễ do thiếu Oxy. Đất dư nước dẫn đến bộ rễ của cây có thể hư hỏng.

Nếu khả năng thoát nước của vườn kém sẽ xuất hiện tình trạng ngập úng toàn phần hoặc cục bộ. Điều này có thể gây phá hủy bộ rễ cả ở tầng sâu nếu ngập lâu ngày. Tạo điều kiện cho nấm thối rễ , thối thân phát triển (nấm Fusarium, Phytophthora). Hiện tượng rễ bị nghẹt do ngập úng làm cây bị ngộ độc, stress làm lá cây bị vàng và rụng.

Mặc dù vậy, cây Sầu Riêng vẫn có khả năng chịu ngập úng nhất định. Điều này tùy thuộc vào tuổi cây, tình trạng cây và cách canh tác của chủ vườn. Bà con có thể quan sát tình trạng đất, rễ và màu sắc của cây mà có thể xác định sơ bộ tình trạng ngập úng và nhanh chóng tiêu nước.

Dấu hiệu ngập úng

  • Mặt đất xuất hiện tình trạng nhão nhoẹt, nước đọng không có khả năng rút. Màu đất mặt xám hoặc nhiều đốm xám do xuất hiện các chất hữu cơ độc hại ( ví dụ như H2S).
  • Xuất hiện các loại cây dại ưa nước như cỏ lác, cỏ lông chồn, rêu…
  • Xuất hiện các loại côn trùng như muỗi, bù mắt, ốc sên
  • Cây xuất hiện vàng lá, xám lá thậm chí đen lá. Thân của cây trở nên mềm, rễ cây cạn, có màu đen và dễ đổ ngã.

Bà con có thể phòng và hạn chế tác hại của ngập úng bằng cách sau:

  • Gia cố lại đê bao vườn chắc chắn, tôn cao liếp.
  • Xới mặt liếp bằng cuốc răng cho tơi xốp và rải phân giúp cây dễ lấy dinh dưỡng.
  • Sửa chữa kỹ mương máng, cống thoát. Đảm bảo thoát nước nhanh khi mưa lớn. Chuẩn bị sẵn máy bơm hỗ trợ thoát nước.
  • Khi mưa liên tục bà con cần đào thêm rãnh phụ để thoát nước từ liếp ra mương thoát nước
  • Cắt bỏ các cành vượt, cành vô hiệu để hạn chế thất thoát dinh dưỡng, tránh lay gốc khi mưa gió lớn.
  • Không lạm dụng bón đạm để tránh đọt non phát triển.
  • Không sử dụng phân hữu cơ chưa hoai mục. Vì phân hữu cơ này sẽ tiêu hao nhiều Ôxy trong đất, rễ cây bị thiếu Oxy hô hấp.
  • Hạn chế rửa trôi bằng cách để gốc cỏ
  • Nên bón thêm vôi để hạ thấp độ phèn và hạn chế mầm bệnh trong đất, nhất là bệnh xì mủ gốc rất dễ xảy ra nếu thoát nước kém.
  • Cỏ dại phát triển mạnh trong mùa mưa nhưng chí nên cắt ngọn giữ gốc hoặc dùng chế phẩm cháy lá cỏ giữ gốc.

Tiêu nước cho vườn Sầu Riêng

Thoát thủy tiêu nước là kỹ thuật để rút nước ứ đọng trong vườn. Nước ứ đọng trong vườn quá nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và phát triển cũng như năng suất vườn cây.

Tiêu nước còn giúp rửa mặn, xả phèn, thông thoáng tầng rễ trong việc cải tạo đất, hạn chế mầm bệnh cho cây.

Tiêu nước có thể tạo sự thuận lợi trong việc di chuyển hoặc cơ giới hóa trong vườn cây.

Ích lợi của việc tiêu nước trong vườn kịp thời:

  • Đất giữ được độ thoáng khí, cây trồng dễ trao đổi khí với môi trường bên ngoài hơn.
  • Mực nước ngầm trong vườn hạ thấp giúp rễ đâm sâu hơn, khỏe hơn và hấp thu dinh dưỡng trong đất tốt hơn.
  • Đất vườn khô ráo thuận lợi cho việc di chuyển và cơ giới hóa vườn trồng.
  • Giúp hệ vi sinh vật hiếu khí phát triển, đẩy nhanh quá trình phân hủy chất hữu cơ, nitrat hóa tốt hơn cho cây dễ hấp thụ (đạm được phân giải).
  • Hạn chế mầm bệnh trong vườn cây và côn trùng phát triển.
  • Tiêu thoát nước đúng kỹ thuật giúp cải thiện hiện tượng xói mòn đất.

Hệ thống tiêu nước

Có thể chia làm 2 hệ thống tiêu nước chính thường dùng. Bà con có thể lựa chọn và áp dụng sao cho phù hợp với vườn cây của mình.

  • Hệ thống tiêu mặt: sử dụng tiêu thoát nước khi lượng mưa quá lớn hoặc lũ lụt gây ngập úng trên bề mặt vườn cây. Hệ thống này sử dụng tiêu nước trọng lực. Nước sẽ chảy từ cao xuống thấp xuống mương thoát. Nếu nước nguồn quá lớn thì cần máy bơm hỗ trợ.
tuoi-tieu-cay-sau-rieng
Tiêu nước mặt
  • Hệ thống tiêu ngầm: sủ dụng khi mặt nước ngầm dâng cao do mưa lũ gây úng lụt. Hệ thống này sử dụng ống cống chôn sâu bên dưới, thu gom nước ngầm và dẫn ra ngoài tự nhiên hoặc sử dụng bơm cưỡng bức.
tieu- nuoc-cho-cay-sau-rieng
Tiêu nước ngầm

Tiêu nước trong mùa mưa:

Trong mùa mưa, lượng nước trong vườn lớn nên bà con cần tiêu nước đúng cách và đúng phương pháp cho vườn cây. Việc tiêu thoát nước tổng hợp theo phương châm ” rải – chôn – tháo nước”

  • Rải nước: chia nhỏ các khu vực tiêu nước để phân tán lượng nước cần tiêu thoát theo địa hình khu vườn. Nước thuộc khu vực nào thì tiêu tại khu vực đó.
  • Chôn nước: sử dụng chỗ trũng trong vườn hoặc ao, đìa, kênh tiêu… để trữ nước tạm thời.
  • Tháo nước: tiêu thoát nhanh nước ở những khu vực thoát nước thuận tiện. Việc tháo nhanh có thể sử dụng đến máy bơm nước để tháo nước ra khỏi vườn.

Phục hồi vườn sau ngập lụt

Việc chăm sóc và phục hồi vườn cây Sầu Riêng sau mùa mưa lũ rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của vườn trong vụ kế tiếp. Do vậy, bà con cần thực hiện đúng kỹ thuật để vườn cây phục hồi tốt, nhanh.

  • Cày xới đất mặt: xới đất mặt khu vực quanh tán cây bằng cuốc răng dài 8-10cm để phá váng. Làm đất thông thoáng để rễ cây không bị ngộp, nghẹt.
  • Đào mương rút nước: rút nhanh và rút nốt phần nước dư thừa ra khỏi vườn cây.
  • Sử dụng các loại phân bón lá phù hợp, đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây. Tỉa cành và lá non ra trong giai đoạn bị ngập úng. Bà con có thể sử dụng phân bón dạng công nghiệp DAP kết hợp sulphat kali theo tỷ lệ 2:1 trộn đều. Phun đều trên lá tổ hợp trên với 100-150gr hòa tan 10 lit nước.
  • Sử dụng vôi bột 0.5kg đến 1kg mỗi gốc. Phòng và trị các bênh nấm gốc, rễ cho cây bằng các loại thuốc phù hợp.

Trên đây là toàn bộ quy trình kỹ thuật hướng đẫn Tưới Tiêu Cho Cây Sầu Riêng. Hi vọng bài viết sẽ giúp được bà con ít nhiều trong việc trồng và chăm sóc cây Sầu Riêng. Chúc bà con một vụ mùa bội thu! Trân trọng và kính chào tạm biệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *