Kỹ Thuật Trồng Cây Dưa Lưới

Cây Dưa Lưới là giống cây có vòng đời ngắn. Từ khi gieo trồng tới khi thu trái khoảng 3 tháng. Rất nhiều bà con muốn tìm hiểu cách trồng giống cây này nhưng kỹ thuật trồng chưa được rõ. Vì vậy, Vuacaytrong xin chia sẻ tới bà con Kỹ Thuật Trồng Cây Dưa Lưới để bà con cùng tham khảo.

Kỹ Thuật Trồng Cây Dưa Lưới

Điều kiện khí hậu và thời vụ gieo trồng:

Cây Dưa Lưới phù hợp trồng trong điều kiện khí hậu ấm áp, đủ sáng. Là giống cây thuộc họ bầu bí, nhóm dưa lê nên rất dễ trồng với khí hậu Việt Nam. Tuy vậy, bà con cũng hạn chế trồng ở khu vực có mưa nhiều, độ ẩm cao. Nếu có trồng ở những khu vực bất lợi đó thì nên trồng trong nhà kính hoặc trồng theo hệ thống bán thủy canh.

Trồng Dưa Lưới vào thời điểm từ tháng 2 – tháng 3 hoặc từ trồng từ tháng 8 đến 9 dương lịch. Nếu trồng chơi, nhỏ lẻ thì có thể trồng trái vụ trong chậu cũng được. Những vùng có mùa đông lạnh giá kéo dài thì hạn chế trồng vì khả năng chịu lạnh của cây kém, chậm phát triển và năng suất rất thấp.

Ươm cây con:

  • Chọn giống: chọn hạt giống chắc mẩy, không mang mầm bệnh, tốt nhất là chọn được hạt giống F1. Bà con có thể mua hạt giống tại cơ sở bán giống F1 uy tín .
  • Chuẩn bị khay ươm hoặc bầu ươm hạt, giá thể ươm có thể dùng hạt nén ươm hạt bán sẵn hoặc trộn tỷ lệ 7:3 mụn dừa và phân trùn quế.
  • Ngâm hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) khoảng 4-6h. Sau đó ủ hạt trong vải ẩm chờ nứt nanh sau 24h.
  • Gieo hạt vào bầu chuẩn bị sẵn giá thể.  Tưới nước đủ ẩm, sau 2 ngày hạt sẽ nảy mầm. Khoảng 10 ngày sau khi cây con đạt 2 lá thì đem trồng.
ươm-cay-dua-luoi
Ươm hạt cây dưa lưới

Chuẩn Bị Đất Trồng Cây Dưa Lưới

Đất phù hợp để trồng cây Dưa Lưới cần đảm bảo tơi xốp và nhiều dinh dưỡng. Bà con trồng trên đất phù sa hoặc đất pha cát cũng phù hợp. Để tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng bà con nên trộn trấu, phân hữu cơ hoai mục hoặc phân trùn quế (nếu trồng chậu) , phân động vật đã ủ hoai vào đất.

Nếu trồng đất ngoài ruộng (vườn trồng)  thì cần được cày xới kỹ, khử khuẩn cho đất và làm sạch cỏ dại. Lên luống cao khoảng 30cm, làm phẳng mặt luống hơi dốc về 2 bên để tránh ngập úng. Có thể phủ nilon mặt luống để giữ dinh dưỡng cho đất và chống cỏ dại mọc lấn.

Nếu trồng ít và trồng trong chậu hoặc thùng xốp thì cần chọn loại sâu và rộng. 1 thùng 1 cây hoặc 1 thùng 2 cây cách nhau 50cm. Có thể sử dụng đất dinh dưỡng trồng cây cảnh để trồng.

Trồng cây Dưa Lưới Con

Nên thực hiện việc trồng cây con vào chiều mát. Trên mặt luống đã làm sẵn, đào lỗ vừa đủ để đặt bầu ươm. Cẩn thận nhấc cây ra khỏi bầu tránh làm vỡ giá thể, lấp đất và ém chặt quanh bầu sau khi đặt xuống luống trồng. Các cây trồng trên luống cách nhau khoảng 0,5m. Thực hiện tưới nước cho cây con mới trồng.

Nếu trồng trong chậu thì đất trồng cần thấp hơn mặt chậu để sau này có thể bón bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Dưa Lưới

Cây Dưa Lưới là giống cây khá dễ chăm sóc. Bà con chỉ cần đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ, đều đặn hàng ngày và bổ sung phân bón kịp thời là được.

Tưới nước:

Khi cây mới trồng, cần đảm bảo khoảng 0,5lit nước/1 gốc mỗi ngày. Khi cây trường thành, lượng nước cần ít hơn. Tuy nhiên cần thường xuyên và đều đặn để đảm bảo độ ẩm của đất cho cây phát triển.

Nếu trồng cây Dưa Lưới trong nhà kính hoặc trong nhà màng thì nên bố trí hệ thống tưới hợp lý. Có thể dùng phương pháp tưới nhỏ giọt trên diện tích gieo trồng lớn. Nếu trồng đất ruộng thì không những cần tưới đều mà cần phải thoát nước tốt để tránh ngập úng trong những ngày mưa.

Làm giàn trồng cây Dưa Lưới:

Dưa Lưới thuộc loại thân leo nên bà con cần làm giàn cho cây leo. Dù trồng trang trại lớn, trong nhà kính hay trồng tại nhà thì cũng cần phải cho cây leo. Có như vậy, cây mới phát triển tốt và cho nhiều trái.

Tùy theo vật liệu và khu vực trồng mà bà con dựng dàn cho phù hợp. Có thể dùng tre, gỗ hoặc cũng có thể làm giàn bằng sắt thép. Dù giàn nào thì bà con cũng cần đảm bảo thông số như sau:

  • Sợi lưới làm giàn:  2mm
  • Ô lưới : 10×10cm.

Với vườn lớn, bà con nên làm giàn đơn giản, tránh để các cây leo quá gần nhau leo chồng chéo lên nhau. Cách tốt nhất là dùng dây dây leo cho từng cây.

Nếu trồng nhỏ lẻ hoặc trên sân thượng thì có thể làm giàn sắt đứng hoặc giàn chữ A bằng tre, gỗ …

ky-thuat-trong-cay-dua-luoi
Dàn Dưa Lưới trong nhà kính

Bón phân cho cây Dưa Lưới:

Bón phân cho cây Dưa Lưới cần chia làm những thời kỳ phát triển của cây. Thời kỳ phát triển thân lá thì cây cần lượng đạm cao hơn. Thời kỳ bắt đầu ra hoa kết trái thì cần lượng lân lớn hơn để giữ hoa và trái. Đến khi đậu trái và phát triển trái thì cần lượng Kali nhiều.

Vì vậy, phân bón hóa học N-P-K thường được lựa chọn. Tuy vậy, bà con muốn trồng theo hướng hữu cơ vẫn hoàn toàn được. Thay vì NPK có thể lựa chọn phân bón vi sinh như phân trùn quế, phân đạm cá , phân chuồng hoai…

Nếu sử dụng NPK thì giai đoạn đầu khi trồng được 3-4 ngày bà con sử dụng 10gr đạm Urê pha với 10 lit nước tưới cách ngày, chia làm nhiều lần. Khi cây được khoảng 5 lá , chuẩn bị bò và leo thì bón NPK theo tỷ lệ 16-16-8 mỗi gốc và thêm khoảng 5gr Urê. Lưu ý bón cách gốc khoảng 20cm. Khi cây bắt đầu ra hoa thì sử dụng NPK 5-10-15 và khi nuôi trái thì dùng NPK 10-15-20. Mỗi gốc chỉ cần khoàng 10gr bón cách xa 10cm, lấp đất và tưới đều mỗi ngày.

Nếu bà con đi theo hướng hữu cơ thì có thể sử dụng cách bón như sau:

Sau khi trồng khoảng 1 tuần, bón phân trùn quế thường xuyên mỗi tuần 1 lần, kéo dài đến trước thu hoạch. Pha loãng phân đạm cá tưới 10 ngày 1 lần kéo dài tới trước khi thu trái. Khi đậu trái bà con cần tăng lượng kali, có thể sử dụng dịch chuối bón đều hàng tuần. Đến khi trái phát triển ổn định thì tăng lượng dịch chuối bón hàng hàng để tăng độ ngọt.

Tỉa nhánh và thụ phấn cho cây Dưa Lưới

Cây Dưa Lưới phát triển được 5-6 lá thật thì bà con tiến hành tỉa nhánh. Các nhánh lẻ mọc trong giai đoạn này cần được loại bỏ để thân chính phát triển. Khi cây đạt tới lá thứ 8 thì bắt đầu giữ nhánh.

Khi cây ra hoa, cần thụ phấn trong vòng 3 ngày để đạt chất lượng tối ưu. Bà con có thể thụ phấn bằng tay có thể kiểm tra nhị phấn từ hoa đực, nếu phấn dính tay là thụ phấn tốt. Hoa cái cũng vậy, nếu dính tay là đã sẵn sàng nhận phấn từ hoa đực. Lấy hoa đực, lặt bỏ cánh và xoay đề quanh nhụy hoa cái là được. Nếu vườn lớn thì có thể đặt vài thùng ong mật để nhờ chúng thụ phấn.

Khi bắt đầu kết trái thành công thì tiến hành ngắt ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Nếu 1 nhánh có quá nhiều trái đậu thì nên bỏ bớt trái để tăng chất lượng trái được giữ lại.

cay-dua-luoi
Dưa Lưới Thương Phẩm

Kỹ Thuật Ngừa Sâu Bệnh Khi Trồng Cây Dưa Lưới

Khi cây trồng được 3 đến 4 lá thật, bà con cần dùng thuốc phòng bọ trĩ . Thuốc này có ghi hướng dẫn sử dụng trên bao bì, tuy nhiên bà con nên pha loãng tầm 70% liều lượng là đủ.

Khi cây đạt 10 lá thì phun phòng bọ trĩ thêm 1 lần nữa, bà con vẫn pha loãng với liều 70% như lần thứ nhất.

Sử dụng thuốc ngừa nấm định kỳ 5 ngày 1 lần

Có thể sử dụng phân vi sinh đối kháng đê ngừa bệnh héo xanh. Tưới khi cây được 6-7 lá thật và lần kế tiếp lúc trái bắt đầu hình thành lưới trên bề mặt.

Bà con có thể dùng bẫy ruồi vàng để phòng ruồi chích quả (với các trang trại nhà kính hoặc nhà màng thì không cần) . Đặt bẫy xa khu vực trồng khoảng 3m.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *