Kỹ Thuật Trồng Cây Ổi Nữ Hoàng Cho Năng Suất Cao

Kỹ Thuật Trồng Cây Ổi Nữ Hoàng không khó. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng phát triển cho năng suất cao là điều nhiều bà con quan tâm. Vuacaytrong xin chia sẻ tới bà con Kỹ Thuật trồng và chăm sóc giống cây này để đạt hiệu quả cao nhất.

Kỹ Thuật Trồng Ổi Nữ Hoàng

Giới thiệu về giống Ổi Nữ Hoàng

Trái Ổi Nữ Hoàng về cơ bản khá giống trái ổi thông thường. Có khác biệt là trái lớn hơn và trên trái có gân dọc. Ruột trái ít hạt, giòn và ngọt. Trọng lượng trái thu hoạch có thể đạt 300 gram đến 400 gram. Năng suất có thể đạt tới trên 70 tấn/ha nếu chăm sóc tốt. Giống cây này cho trái thơm ngon và chất lượng vượt trội so với các giống ổi khác nên được đặt tên là “Ổi Nữ Hoàng”. Điều khác biệt là hàm lượng vitamin C trong trái lớn nhưng năng lượng trái mang lại thấp. Do đó những người muốn giảm cân rất ưa chuộng. Không những thế, trái ổi này được giới nữ rất thích vì hàm lượng vitamin C cao sẽ đem lại sức đề kháng cao và làm làn da sáng đẹp.

ky-thuat-trong-cay-oi-nu-hoang
Ổi Nữ Hoàng

Cách chọn giống

Hiện nay, cây giống Ổi Nữ Hoàng được nhân giống bằng giâm cành, chiết cành hoặc ghép cành. Tuy nhiên, cây giống được ghép cành được đánh giá là cây giống tốt hơn. Vì ổi ghép cành có tuổi thọ lâu hơn và cho năng suất khả quan hơn.

Bà con nên chon cây ghép với chiều cao khoảng 50cm trở lên từ mặt bầu tới đỉnh sinh trưởng. Thân cây cứng cáp, khỏe và không có dấu hiệu của sâu bệnh. Vị trí ghép liền sẹo ổn định.

Trên thị trường cây giống có rất nhiều cây giống ổi khác nhau như: Ổi Đài Loan, ổi Bo, ổi Phugi không hạt… Nên bà con cần tìm tới cơ sở cây giống uy tín để đảm bảo mua đúng giống và được lựa chọn kỹ càng.

Mật độ và thời vụ trồng ổi Nữ Hoàng

– Mật độ trồng: Nếu trồng đơn thì cây x hàng theo mật độ 3mx3m. Nếu trồng kép (một hố trồng 2 cây)  thì hàng cách hàng 4,5m cây cách cây 3,5m. Cách trồng kép chỉ phù hợp với vườn có đất tốt, điều kiện chăm sóc thuận lợi. Nếu trồng theo cách này thì mật độ khoảng 100 đến 110 cây/sào Nam Bộ (1000m2)

– Thời điểm trồng: Cây Ổi Nữ Hoàng khá dễ trồng, có thể trồng vào nhiều thời điểm trong năm. Tuy nhiên, thời gian phù hợp xuống giống này rơi vào đầu mùa mưa (tháng 5-6 dương lịch). Có như vậy sẽ thuận lợi cho việc chăm sóc tưới tiêu cho cây. Đảm bảo độ ẩm cho cây khi mới xuống giống.

– Kỹ thuật đào hố và làm đất:

Bà con đào hố 50×50 sâu 50cm và thực hiện bón lót. Mỗi hố sử dụng 5-10kg phân chuồng hoai mục, 0,5kg lân, 100g ure, 100g kali, 0,5kg vôi bột trộn đều với đất và lấp hố chờ. Bà con nên chuẩn bị hố trước khoảng 1 tháng trước khi xuống giống.\

Đào hố con chính giữa hố trồng lớn hơn bầu giống khoảng 5-10cm. Rạch bầu nilon và đặt cây sao cho mặt bầu cao hơn mặt hố khoảng 5cm-10cm. Nén nhẹ xung quanh cho chặt và cắm cọc cố định cây. Vun đất, tưới nước và tủ gốc để duy trì độ ẩm và hạn chế cỏ dại.

dao-ho-trong-cay-oi-nu-hoang
Đào hố trồng Ổi Nữ Hoàng

Kỹ Thuật Chăm Sóc, Bón Phân Trồng Ổi Nữ Hoàng:

Chăm sóc định kỳ:

Mặc dù cây Ổi Nữ Hoàng có thể thích ứng với nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau. Nhưng để cây cho năng suất cao thì việc chăm sóc cây rất quan trọng. Mỗi thời kỳ phát triển cây sẽ có nhu cầu khác nhau về dinh dưỡng và nước tưới khác nhau.

Việc tưới tiêu phải đảm bảo cây đủ nước vào mùa khô và thoát nước nhanh vào mùa mưa. Nhất là khi cây ra hoa kết trái là giai đoạn không được để cây thiếu nước hoặc khô hạn.

Kiểm tra tủ gốc thường xuyên bằng rơm rạ khô hoặc thân lá cây họ đậu để giữ ẩm và phòng tránh cỏ dại mọc xâm lấn.

Làm cỏ xuân và cỏ vụ thu (tháng 1-2 và tháng 8-9 ) đều đặn.

Cắt tỉa và tạo tán cho cây:

Khi bà con trồng được 3 đến 4 tháng thì cây ổi sẽ ra các đọt non. Ta tiến hành cắt tỉa bớt. Cắt sao cho để lại từ 3 cặp lá hoặc 4 cặp lá (khoảng 0.5m). Từ đọt cắt tỉa sẽ đâm chồi cành cấp 2. Bà con tiếp tục cắt để tạo tán từ cành cấp 2, cành cấp 3. Cành cấp 3 sẽ nhàn hơn vì khi phát triển tới cấp này, cây đã bắt đầu ra hoa. Bà con tiến hành cắt bỏ những chồi nhỏ yếu và bấm ngọn cành cấp 3 phía trên vị trí đậu trái non.

– Loại bỏ ngay những cành vươn từ gốc ghép. Những cành vượt lên thân chính, dị dạng hoặc lá to bất thường đều loại bỏ.

– Sau khi tỉa và tạo tán khoảng 7-8 tháng cây bắt đầu có trái bói.

– Những vụ tiếp theo bà con cần cắt bỏ những nhánh mọc rậm rạp để cành mới có cơ hội phát triển và nhiều trái.

Kỹ thuật bón phân:

Như đã nói ở trên, cây Ổi Nữ Hoàng có nhu cầu khác nhau qua thời gian nên bà con thực hiện như sau:

  • Năm thứ nhất: mỗi gốc bón khoảng 200gr Urê , 130gr Lân và 150gr kali
  • Năm thứ 2: mỗi gốc thực hiện bón khoảng 400gr Urê, 250gr Lân và 300gr Kali
  • Từ năm thứ 3: mỗi gốc cần khoảng 600gr Urê, 250gr Lân và 450gr Kali.
Từ lượng phân bón mỗi năm trên bà con chia đều bón thành 4 phần và chia làm 4 lần trong năm như sau:
  • Lần 1: Bón sau khi tỉa cành khoảng 1 tháng vào mùa xuân để cây ra chồi mới
  • Lần 2: Bón vào khoảng tháng 4 để Kích thích cây ra hoa.
  • Lần 3: Bón vào tháng 6 để thúc hoa, kết trái
  • Lần 4: Bón vào tháng 8 để nuôi trái và dưỡng cây.

Bà con có thể bổ sung phân chuồng đã hoai mục hoặc phân bón hữu cơ vi sinh. Chủ yếu bổ sung trong lần thứ nhất trong năm, khoảng 10 đến 20kg phân chuồng hoai mục.

Những vườn bị nhiễm phèn bà con cần bón thêm vôi bột vào đất để trung hòa độ chua của đất.

Khi bón phân, bà con xới và đào rãnh quanh khu vực tán cây, rải phân đủ liều lượng và phủ đất lên trên.

Sau khi bón phân, bà con cần tủ gốc bằng rơm rạ khô hoặc cỏ khô để giữ độ ẩm cho cây.

Kỹ Thuật Phòng Trừ Sâu Bệnh Khi Trồng Ổi Nữ Hoàng

Giống Ổi Nữ Hoàng kháng bệnh khá tốt. Dù vậy, do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng mà cây vẫn có thể bị nhiễm một số sâu bệnh như sau:

Bệnh nấm trái: bệnh này làm trái không lớn được và đen lại do bị nấm phủ kín. Bênh này do nấm thán thư phát triển.

Bệnh thối trái: Trái xuất hiện những đốm tròn nâu. Bệnh này do nấm Phytophthora phát triển rất nhanh trên trái. Lây nhanh sang khác trái khỏe, gây hư thối và rụng trái. Xuất hiện ở các cây ít tỉa cành phát triển quá rậm thiếu ánh sáng.

Bệnh nấm  Fusarium và Macrophomina xuất hiện ở những vườn thoát nước kém, độ ẩm cao. Bệnh này làm chết cây con, thậm chí cả cây đạt 3 hoặc 4 tuổi.

Để phòng trừ những loại bệnh trên bà con nên phun thuốc có gốc đồng và tỉa cành tạo độ thông thoáng cho vườn, giúp cây quang hợp tốt và tăng sức đề kháng với nấm bệnh.

cay-oi-nu-hoang-cho-nang-suat-cao
Bọc trái Ổi Nữ Hoàng

Khoảng tháng 6- 7 hoặc vào lúc trái bắt đầu sắp chín, cùi mềm dễ bị ruồi đục trái đến đẻ, đục ruỗng trái bà con cần bao trái hoặc thu hoạch kịp thời. Những trái chín rơi vãi cần dọn sạch để tránh hấp dẫn loại ruồi này tấn công.

Bệnh rệp sáp có thể xuất hiện nếu vườn ít kiểm tra chăm sóc. Bệnh này cần phải diệt cả kiến mang rệp đến làm tổ.

Sâu đục lá , sâu cuốn lá có thể xuất hiện tấn công phần lá non hoặc đóng kén ăn lá. Bà con nên phun một số loại thuốc được khuyến cáo dùng cho cây ổi. Nếu sâu ít có thể diệt thủ công bằng tay.

Trên đây là những chia sẻ về kỹ thuật trồng cây Ổi Nữ Hoàng mà Vuacaytrong chia sẻ. Hy vọng có thể giúp được bà con chuẩn bị xuống giống ổi này hoặc đang trồng giống ổi này tham khảo. Chúc bà con vụ mùa bội thu!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *