Chăm Sóc Cây Ăn Trái Như Thế Nào Để Đạt Năng Suất Cao?

Chăm Sóc Cây Ăn Trái Như Thế Nào Để Đạt Năng Suất Cao? là câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra. Đôi khi, việc đạt năng suất cao không đồng nghĩa với việc vườn cây ăn trái phát triển tốt và ngược lại. Có vườn phát triển rất tốt mà năng suất không đạt. Có vườn năng suất rất cao trong vụ này nhưng vụ sau thì giảm mạnh. Mục tiêu của bất kỳ bà con nào cũng muốn là cây phát triển bền vững và thu hoạch khả quan trong mỗi vụ mùa. Vựa cây trồng xin chia sẻ tới bà con những kỹ thuật để đạt được điều này.

Chăm Sóc Cây Ăn Trái Đúng Cách

Chăm sóc cây ăn trái là việc cần làm thường xuyên và liên tục của người trồng cây. Việc chăm sóc không chỉ là bón phân, tưới nước… mà thôi. Bà con cần thực hiện những điều đó đúng cách, kịp thời và hợp lý. Không những chăm sóc cây để cây phát triển tốt mà còn phải dưỡng trái sao cho trái có chất lượng cao. Trái đạt tiêu chuẩn chất lượng thì giá trị kinh tế của vườn mới có thể nâng cao được.

Kỹ thuật tưới tiêu

Tưới tiêu là yếu tố kỹ thuật không thể thiếu khi trồng cây ăn trái. Việc chủ động tưới nước hoặc tiêu nước là để đảm bảo độ ẩm thích hợp của đất. Ảnh hưởng chủ đạo tới năng suất và chất lượng của vườn cây.

Bà con cần phân biệt giống cây trồng ưa ẩm (chôm chôm, sầu riêng, măng cụt …) và các giống chịu hạn (điều, xoài…). Những giống ưa ẩm thường yêu cầu lượng mưa từ 2000mm đến 5000mm/năm. Các giống chịu hạn sẽ yêu cầu lượng mưa từ 500mm đến 1500mm/năm. Như vậy, ngay từ ban đầu bà con có thể xác định nên trồng cây ăn trái loại nào phù hợp với khí hậu vườn trồng.

Khi cây ăn trái trong giai đoạn kiến thiết bà con cần tưới nước phù hợp. Nếu tưới quá ít thì những cây ưa nước sẽ không phát triển. Nếu dư nước thì chúng có thể chết vì úng nước. Tùy theo loại cây ăn trái mà độ ẩm giai đoạn này giao động từ 65% tới 80% độ ẩm tối đa.

Khi cây trưởng thành, yêu cầu về nước cao hơn. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn của cây trưởng thành sẽ yêu cầu lượng nước khác nhau. Để kích thích hình thành hoa thì trước khi ra hoa cây cần độ ẩm thấp. Một số cây như chôm chôm, xoài sẽ ra đọt non nếu gặp mưa giai đoạn ra hoa vì độ ẩm cao.

Bà con có thể xác đinh độ ẩm của đất để đối chiếu với nhu cầu của cây. Cách tốt nhất là có công cụ xác định đổ ẩm đất. Có thể đánh giá độ ẩm đất qua việc quan sát vườn trồng. Đánh giá này thông qua việc quan sát tầng đất mặt và độ cương nước của cành lá trên cây.

Bà con có thể tham khảo kỹ thuật tưới tiêu tại Đây

Kỹ thuật cắt cành tạo tán

Việc cắt tỉa thực hiện ngay trong giai đoạn kiến thiết sẽ giúp trọng tâm cây ổn định. Khi cây trong giai đoạn kinh doanh cũng định kỳ thực hiện công việc này. Như vậy, cây mới có thể tập trung dinh dưỡng để nuôi trái.

Bà con thực hiện định kỳ việc cắt bỏ các cành sâu bệnh. Loại bỏ các cành vượt. Làm định kỳ hàng tháng để vườn cây được thông thoáng, giảm sâu bệnh.

  • Trong giai đoạn kiến thiết: Cây chỉ nên để từ 3 đến 4 cành chính tỏa đều tứ phía. Về sau cắt tỉa tùy thuộc vào độ phát triển của từng giống cây. Về cơ bản, nên cắt tỉa những cành nhỏ yếu cong queo, những cành nơi quá dày.
  • Giai đoạn kinh doanh: Cắt bỏ những cành đã mang trái không nằm trong tán. Loại những cành sâu bệnh hoặc vươn xa tán để giúp cây đâm chồi mạnh đồng loạt. Những chồi mới khỏe mạnh làm tiền đề cho năng suất vụ sau.

Lưu ý khi cắt tỉa: 

  • Tỉa cành tạo tán theo hình chữ Y. Như vậy, ánh sáng sẽ lọt được vào trong. Giúp cây có thể ra hoa kết trái khu vực trong tán thuận lợi.
  • Cắt tỉa vào sát thân. Dùng nước vôi trong quét từ gốc lên. Cẩn thận có thể quét vào vết cắt để khử trùng.
  • Lựa chọn ngày nắng ráo để thực hiện cắt tỉa. Tránh ngày mưa ẩm để sâu bệnh không lây lan qua vết cắt.
cham-soc-cay-an-trai
Cắt tỉa tạo tán hình chữ Y

Làm cỏ cho cây ăn trái

Khi lựa chọn canh tác cây ăn trái, bà con thường gặp nhiều cỏ dại trong vườn. Tuy nhiên, không phải loài cỏ dại nào cũng ảnh hưởng tiêu cực tới vườn cây. Bà con cần xác định và loại trừ những loại cỏ dại không mong muốn. Không nên trừ bỏ tất cả vì có những loại cỏ dại có ích cho vườn cây.

  • Xác định cỏ dại: những thực vật phát triển trong vườn không mong muốn. Gây cản trở cho việc canh tác. Gây cản trở cho hoạt động của con người hoặc cạnh tranh dinh dưỡng trực tiếp với cây.
  • Làm cỏ thủ công: bằng cách nhổ cỏ trực tiếp. Khi xác định thành phần cỏ dại không mong muốn, có thể thực hiện nhổ cỏ thủ công.
  • Phát cỏ bằng máy: Sử dụng máy phát cỏ để loại trừ cỏ mọc trên mặt đất. Cỏ sẽ phát triển trở lại sau một thời gian. Cách này có thể giữ lại gốc cỏ, tránh rửa trôi và giúp đất thông thoáng.
  • Xới cỏ: dùng máy xới để xới cỏ. Có thể diệt cỏ tận gốc. Sau khi xới cần thu gom lại và mang ra khỏi vườn.

Với cây ăn trái nói chung bà con cần làm cỏ trong khu vực tán cây. Như vậy sẽ hạn chế được cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ. Hạn chế được nơi trú ngụ, xâm nhập của sâu bệnh. Những phần cỏ còn lại trong vườn không nên diệt trừ toàn bộ. Bà con nên giữ lại những loại cỏ dại bản địa để giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn, rửa trôi. Có thể dùng máy phát cỏ để loại bỏ phần cỏ mọc quá cao để làm phân xanh cho đất.

Không nên sử dụng hóa chất trừ cỏ. Vì hóa chất tồn dư có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của cây ăn trái. Ảnh hưởng tới người dùng và làm mất cân bằng sinh thái của vườn cây.

Bón Phân Và Dưỡng Trái

Dùng phân bón hợp lý khi chăm sóc cây ăn trái

Trong quá trình canh tác cây ăn trái, việc bón phân là yếu tố vô cùng quan trọng để cây đạt năng suất cao. Có 2 cách bón phân thường gặp như sau:

  • Bón phân qua gốc: Bà con rải phân đều trên bề mặt hoặc bón qua cách rãnh, lỗ quanh gốc cây. Cây lấy dinh dưỡng qua bộ rễ. Dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp cho cây. Như vậy cây có thể tiếp cận dinh dưỡng tốt nhất để sinh trưởng hoặc phục hồi sau khi thu hoạch. Cần chú ý tưới và tiêu nước hợp lý sau khi bón phân.
  • Bón phân qua lá: Dinh dưỡng được cung cấp cho cây dưới dạng hòa tan. Loại phân bón này có tác dụng hỗ trợ và bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây phát triển

Lưu ý:

  • Bón phân cho cây nên thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối. Tránh bón vào trưa hoặc lúc sắp mưa vì phân có thể bị bốc hơi hoặc rửa trôi.
  • Tuyệt đối không sử dụng nước thải chưa xử lý để tưới. Cây có thể bị ngộ độc và ảnh hưởng tới người tưới.
  • Khi sử dụng phân hữu cơ, bà con cần phối kết hợp cân đối với phân vô cơ. Vì hàm lượng dinh dưỡng cây ăn trái cần là rất lớn. Phân hữu cơ phân giải chậm sẽ không đáp ứng được cho cây trồng.
  • Nếu sử dụng phân chuồng thì bà con cần ủ thêm lân. Như vậy, thời gian phân giải của phân chuồng sẽ nhanh hơn.
  • Lưu ý không nên cày xới đất phạm vào rễ của cây khi bón phân. Với độ sâu vừa đủ cây sẽ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn là bón phân quá sâu. Không bón sát gốc mà bón theo hình chiếu của tán cây.

Nguyên lý sử dụng phân bón hiệu quả chăm sóc cây ăn trái

Để cây cho năng suất cao, chất lượng trái tốt thì cần hiểu về nguyên lý sử dụng sao cho hiệu quả. Cây ăn trái cần nhiều loại dinh dưỡng khác nhau để sinh trưởng và nuôi trái. Trong đó Đạm, Lân, Kali cây cần nhiều nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng trái và năng suất vườn trồng.

  • Phân Đạm: giúp cây đâm chồi nảy đọt. Thiếu phân đạm sẽ làm cây còi cọc, chậm phát triển. Nếu thừa đạm cây sẽ ra nhiều cành lá, nhiều đọt non khiến cây dễ bị sâu hại tấn công…
  • Phân Lân: cần thiết cho cây phát triển bộ rễ, phân hóa mầm hoa… Nếu thiếu lân, cây sẽ khó ra hoa, đậu quả.
  • Phân Kali: làm tăng cường khả năng vận chuyển dinh dưỡng trong cây. Tăng sức đề kháng và chống chịu của cây với các điều kiện bất lợi. Giúp chồi nhanh thành thục, cây dễ ra hoa, tăng phẩm chất trái.

Ngoài dưỡng chất đa lượng trên, cây ăn trái còn đòi hỏi các dưỡng chất trung, vi lượng phù hợp. Chất lượng trái ảnh hưởng khá lớn nếu chỉ cung cấp các chất đa lượng mà bỏ quên các chất trung vi lượng. Do đó, khi canh tác cây ăn trái, bà con cũng cần quan tâm thêm các loại dinh dưỡng trung và vi lượng nữa.

Thêm nữa, bà con cũng cần lưu ý tới phân hữu cơ. Nếu chỉ sử dụng phân vô cơ thì lâu ngày dẫn tới hiện tượng chai đất, chua đất … cũng ảnh hưởng tới chất lượng canh tác vườn trồng. Phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, giữ ẩm cho đất và tăng cường hệ vi sinh trong đất.

Thời điểm bón phân để cây luôn đủ dinh dưỡng

Việc bón phân cho cây ăn trái đùng thời điểm luôn là điều mà người canh tác cần lưu tâm. Bời các loài cây trồng nói chung và cây ăn trái nói riêng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau qua từng thời kỳ. Bón phân đúng lúc, đủ lượng, đủ chất sẽ giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao.

cay-an-trai
Bón phân hợp lý để dưỡng trái chất lượng

Cây trong gia đoạn kiến thiết cơ bản: cần nhiều phân đạm và lân để giúp cây phát triển chồi và rễ. Do đó cần lưu ý bón đủ đạm và lân cho cây. Phân lân nên trộn lẫn phân chuồng hoai mục bón lót trước khi trồng hoặc bón đầu, cuối mùa mưa. Đối với phân đạm thì nên chia làm nhiều lần. Có thể bổ sung kali bón cho cây khi đọt trưởng thành giúp cây cứng cáp.

Cây trong giai đoạn kinh doanh: đây là giai đoạn cây cho trái, nuôi trái và phục hồi sau thu hoạch. Giai đoạn này ta chia làm 4 lần bón phân chính

  • Sau khi thu hoạch trái: cây cần hồi phục nhanh. Cây cần nhiều đạm và lân để phục hồi. Cung cấp đủ đạm và lân cây sẽ ra nhiều tược mập và khỏe mạnh. Bà con có thể tập trung bón phân chuồng hoai mục sau 5 đến 7 ngày thu hoạch.
  • Trước khi ra hoa: thời điểm này cây cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất đa, trung và vi lượng. Cây phát triển sung mãn để chuẩn bị cho hoa, đậu trái. Bà con nên bón phân trước khi cây ra hoa khoảng 25 đến 30 ngày. Lưu ý giảm lượng phân đạm và tăng lượng Kali, lân để cây dễ ra hoa đậu trái.
  • Sau khi đậu trái: thời điểm này cây cần nhiều dinh dưỡng để nuôi trái. Bà con cần tăng thêm lượng Kali để tăng cường vận chuyển dinh dưỡng nuôi trái. Bà con nên bón phân khoảng 3 đến 4 tuần sau khi đậu trái.
  • Bón trước khi thu hoạch: tùy theo loại cây ăn trái mà bón phân vào thời điểm trước thu hoạch khoảng 1 đến 2 tháng. Lúc này dừng bón đạm và tăng thêm Kali để tăng chất lượng trái.

Cách bón phân đạt hiệu quả cao

  • Bón phân đạt hiệu quả cao phụ thuộc vào kết cấu đất và cách bón phân. Đất nén chặt không tơi xốp hoặc bón không đúng cách sẽ làm phân bị rửa trôi, bốc hơi… Vì thế, bà con nên kết hợp bón phân hữu cơ để đất tơi xốp, giữ phân.
  • Bà con nên bón phân cách xa gốc trong vùng tán cây. Tùy theo loại cây ăn trái mà khoảng cách có thể khác nhau.
  • Nên xới đất hoặc đào rãnh, hố trước khi bón phân để có thể vùi phân chống rửa trôi hoặc bốc hơi.
  • Thực hiện tưới đủ nước sau khi bón phân để phân tan và ngấm vào đất.
  • Bà con có thể sử dụng phân bón lá để phun bổ sung vào các thời điểm thích hợp cho cây ăn trái. Tuy nhiên, cần hạn chế phân bón lá nếu trời mưa hoặc mưa nhiều.

Phòng Trừ Sâu Bệnh Khi Chăm Sóc Cây Ăn Trái

Để canh tác cây ăn trái hiệu quả và năng suất cao, việc phòng trừ sâu bệnh là điều cần đặc biệt lưu ý. Bà con cần biết một số loại sâu hại và chứng bệnh chính trên cây ăn trái để phòng trừ kịp thời.

Phòng trừ sâu hại

  • Sâu đục thân, cành, gốc cây ăn trái: sâu đục thân là ấu trùng của xén tóc. Xén tóc trưởng thành đẻ trứng nách lá ngọn, khe nứt của thân, gốc. Khi trứng nở ấu trùng xén tóc sẽ đục vào thân, cành và gốc cây. Chúng sinh trưởng trong cây từ 8 đến 10 tháng làm cây không phát triển được. Cây bị nặng có thể chết.

Phòng trừ: hàng năm thực hiện quét vôi quanh thân, gốc cây vào tháng 2 dương lịch. Nước vôi ngấm vào các khe rãnh trên thân cây phòng xén tóc đẻ trứng. Khoảng tháng 4 đến tháng 6 cần tiêu diệt xén tóc trưởng thành vào sáng sớm hoặc chiều tối. Tỉa cành thường xuyên để vườn thông thoáng. Cắt bỏ cành héo úa do sâu đục gây ra. Có thể dùng thuốc chuyên dụng để diệt theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

  • Ruồi vàng đục trái: khi trái trong giai đoạn chuyển đường hoặc sắp chín chúng sẽ xuất hiện. Thường vào tháng 10 tháng 11 dương lịch. Ruồi vàng đục trái sẽ làm trái biến dạng, xấu. Chúng đục trái và đẻ trứng vào đó sinh dòi. Dòi đục làm hư trái, rụng trái.

Phòng trừ: có thể dùng bẫy, bả ruồi vàng cách vườn từ 2 đến 2,5m. Tiến hành bao trái bằng túi bao chuyên dụng. Thu hoạch trái kịp thời và cắt tỉa vườn thông thoáng.

Phòng trừ bệnh cho cây ăn trái

  • Bệnh chảy nhựa nứt thân: bệnh do nấm gây ra. Thường xuất hiện ở vùng gốc cây giáp mặt đất. Bệnh làm cây phát triển chậm và suy cây.
  • Bệnh thối rễ, vàng lá: do nấm Fusarium Sp, Pythium, Phytophthora hoặc tuyến trùng gây ra. Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa, vườn tiêu nước kém, ẩm thấp.
  • Bệnh thán thư…

Bà con có thể tham khảo Phòng trừ bệnh cho cây ăn trái qua tài liệu cụ thể trên trang của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia tại Đây

Qua bài viết này, hy vọng bà con tham khảo và có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để có thể hoàn thiện hơn quy trình chăm sóc cây ăn trái hiệu quả. Chúc bà con một vụ mùa bội thu!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *